Tối 8/3 tại Kuala Lumpur (Malaysia) đã diễn ra lễ ra mắt Hiệp hội Thể thao điện tử Malaysia (MEEA). Đại diện của 12 quốc gia trong đó có chủ nhà Malaysia, Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Kenya… đã có mặt tại buổi lễ để chính thức đưa MEEA vào hoạt động, tổ chức các hoạt động Thể thao điện tử (E-sport) tại Đông Nam Á và trên toàn cầu.
Tại buổi lễ, ông Tan Sri Sheikh Fadzir - cựu Bộ trưởng Du lịch, Văn hóa và Nghệ thuật Malaysia bày tỏ tin tưởng sự ra mắt của MEEA sẽ góp phần thúc đẩy phong trào E-sport của Malaysia và Đông Nam Á. Theo ông Tan Sri Sheikh Fadzir, chúng ta nên nhìn nhận E-sport là những bộ môn thể thao mới, đầy tiềm năng trong thời đại công nghệ số. Bởi số lượng người chơi cùng người hâm mộ ngày càng gia tăng. Điều đó đã được chứng minh bằng thực tế tại các giải đấu E-sport.
Hiệp hội Thể thao điện tử Malaysia hiện đang sở hữu mạng lưới với 400 triệu người chơi E-sport trên toàn cầu. Hiện tại, Hiệp hội Thể thao Điện tử Malaysia đã trình lên Chính phủ kế hoạch tổ chức Olympic E-sport đầu tiên trên thế giới, dự kiến diễn ra tại Kuala Lumpur.
Nhân dịp này, PV VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn với bà Baze Yeoh, Chủ tịch Hiệp hội Thể thao Điện tử Malaysia (MEEA).
PV: Thưa bà Baze Yeoh, điều gì đã truyền cảm hứng cho việc thành lập MEEA?
Chủ tịch MEEA Baze Yeoh: Việc thành lập MEEA xuất phát từ niềm đam mê ngày càng tăng đối với thể thao điện tử trong cộng đồng, giới trẻ Malaysia. Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia cũng công nhận tiềm năng to lớn trong việc phát triển các tài năng trẻ, quy tụ cộng đồng và phát triển kinh tế, du lịch đối với E-sport.
Chúng tôi đã nhìn thấy tiềm năng để nâng cao nền thể thao điện tử ở Malaysia và Đông Nam Á, cung cấp cơ hội cho những bạn trẻ có một môi trường hoàn thiện, chuyên nghiệp để nâng cao kỹ năng, chiến thuật thi đấu và trở thành những vận động viên E-sport chuyên nghiệp.
PV: Cụ thể, Hiệp hội MEEA sẽ đóng góp như thế nào cho sự phát triển của E-sport. Các hoạt động và kế hoạch là như thế nào?
Chủ tịch MEEA Baze Yeoh: MEEA đóng vai trò xúc tác cho sự phát triển của Thể thao điện tử thông qua việc tiếp cận từ nhiều mặt. Chúng tôi đã tổ chức nhiều giải đấu, sự kiện liên quan đến nhiều game khác nhau. Cung cấp những sân chơi cho các vận động viên E-sport thể hiện kỹ năng và tranh tài thi đấu ở cấp độ địa phương, cấp độ quốc gia và cấp độ toàn cầu.
Ngoài ra, chúng tôi triển khai các sáng kiến để thúc đẩy phát triển tài năng, các giáo trình về vận động viên E-sport chuyên nghiệp để giới trẻ theo đó có thể trở thành một vận động viên chuyên nghiệp. Bên cạnh đó là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng để có những nhà thi đấu về E-sport trên toàn quốc.
Những bước tiếp theo, chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận, thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức trên toàn cầu và thực hiện nhiều chương trình đổi mới, nâng cao hơn nữa hệ sinh thái Thể thao điện tử.
PV: Bà có thể chia sẻ một số sự kiện do MEEA tổ chức liên quan đến thể thao điện tử? Những bài học kinh nghiệm nào được rút ra từ các hoạt động này?
Chủ tịch MEEA Baze Yeoh: MEEA đã tổ chức các sự kiện hàng đầu như Giải đấu Thể thao điện tử Malaysia (MEL), thu hút hàng nghìn người tham gia và được sự quan tâm rộng rãi của cả game thủ và công chúng. Sự hợp tác với các trường đại học giúp chúng tôi đưa thể thao điện tử vào chương trình giảng dạy của một số trường, mở ra cơ hội lớn trong tương lai với sinh viên.
Qua quá trình vận hành và tổ chức các giải đấu, chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm và qua đó cũng phát lộ nhiều tài năng về E-sport của Malaysia. Nhiều vận động viên E-sport của Malaysia đã được quốc tế công nhận và có lượng fan hâm mộ lớn.
PV: Bà có thể chia sẻ về một số thách thức lớn mà MEEA phải đối mặt trong việc quảng bá thể thao điện tử?
Chủ tịch MEEA Baze Yeoh: Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là những quan niệm sai lầm, sự kỳ thị đối với E-sport của thế hệ cũ. Nhiều người vẫn còn chưa nhận thức tác động tích cực của E-sport với việc phát triển tư duy, kỹ năng làm việc nhóm và cơ hội phát triển kinh tế dựa trên các nền tảng E-sport.
Bên cạnh đó, những hạn chế về cơ sở hạ tầng và sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận các giải đấu tại một số khu vực cũng đặt ra những trở ngại cho sự tham gia rộng rãi của giới trẻ đối với E-sport.
PV: Các kế hoạch cụ thể trong thời gian tới của MEEA là như thế nào?
Chủ tịch MEEA Baze Yeoh: Trong thời gian tới, MEEA cam kết thúc đẩy hơn nữa sự phát triển và chuyên nghiệp hóa thể thao điện tử ở Malaysia. Kế hoạch tương lai của chúng tôi bao gồm mở rộng các giải đấu, nâng cao chương trình phát triển tài năng và tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ và các cơ quan chính phủ để đảm bảo sự bền vững lâu dài cho ngành thể thao điện tử. MEEA kỳ vọng tạo nên một nền văn hóa thể thao điện tử sôi động, nhằm tôn vinh sự đa dạng, đổi mới và hòa nhập.
PV: Xin cảm ơn bà.